Tranh panorama Trận đánh Điện Biên Phủ

Tranh panorama Trận đánh Điện Biên Phủ

      Tranh panorama Trận đánh Điện Biên Phủ được coi là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Tác phẩm này hoàn thành vào đúng dịp Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Góc nhìn rộng của bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ
Góc nhìn rộng của bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ

   “Trận chiến Điện Biên Phủ” là bức tranh toàn cảnh – panorama tái hiện chân thực và sống động những khoảnh khắc điển hình nhất trong 56 ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng và được coi là tài sản vô giá, lưu lại những giá trị về lịch sử và truyền thống cho các thế hệ mai sau. Tác phẩm này đã được trao giải nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.

    Tác phẩm với chất liệu acrylic trên nền vải toan này có chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.225m². Tranh được được thể hiện lên toàn bộ bề mặt phía trong của Bảo tàng, được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian 360 độ – tòa nhà hình trụ có đường kính 42m.

     Hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp tài hoa của gần 100 họa sĩ trong khoảng 2 năm rưỡi tái hiện lại. Các giai đoạn của chiến dịch được thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo gây ấn tượng mạnh người xem.

Trích đoạn trong bức tranh
Tranh panorama Trận đánh Điện Biên Phủ

    Nội dung bức tranh cũng được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.

    Theo đánh giá của ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Cuộc họp Hội đồng nghệ thuật nghiệm thu tác phẩm: “Bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” là tác phẩm nghệ thuật, hoành tráng về quy mô, ấn tượng về nghệ thuật, đem đến cho người xem cảm giác chân thực, sống động nhất về diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

    Còn ông Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì nhận xét, đây là một kỳ tích đặc biệt, chưa từng có của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. “Có một thế hệ nghệ sĩ còn rất trẻ đã tự tin chấp nhận những thách thức đầy áp lực để thể hiện khả năng nghề nghiệp khi bước ngược chiều thời gian, tái hiện thành công trên nền sử hào hùng và vĩ đại của dân tộc với Chiến thắng Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu” – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói.

     Từ ấp ủ đến hoàn thiện bức tranh panorama trận đánh Điện Biên Phủ 

    Năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã đề xuất phương án, xây dựng đề cương và phác thảo ý tưởng. Sau nhiều lần vẽ, chỉnh sửa, phác thảo đã được đưa ra hội đồng nghệ thuật gồm các chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam phân tích, đánh giá; Tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà sử học và nhà báo cùng đóng góp ý kiến.

    Đến năm 2018 thì phương án thực hiện bức tranh mới được phê duyệt và đến tháng 11.2019 những nét vẽ đầu tiên của bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” mới được triển khai.

    Theo họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, người được coi là “Kiến trúc sư trưởng” của công trình nghệ thuật độc đáo này, để thực hiện đề cương về nội dung bức tranh, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như: Lịch sử, quân sự, mỹ thuật; các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà điêu khắc tham gia tư vấn.

    Trong quá trình nghiên cứu, thu thập tranh ảnh, phim tư liệu lịch sử, từ năm 2014 đến năm 2017, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa cũng đã cử các hàng chục họa sĩ đi nhiều nơi như: Thư viện Quốc gia, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…

    “Đặc biệt, chúng tôi cũng đi nhiều nơi, gặp các cựu chiến binh, đến nhiều gia đình có thân nhân là liệt sĩ hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để thu thập thông tin, hình ảnh… Đặc biệt là chân dung các cựu chiến binh thời tham gia chiến dịch và chân dung các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh ngoài mặt trận. Do vậy, phần lớn chân dung các “Chiến sĩ Điện Biên” xuất hiện trong tác phẩm này là chân dung thật!” – Ông Nguyễn Văn Mạc xúc động cho biết.

    Xem thêm bộ phim tài liệu Chiến thắng Điện Biên Phủ 54-56  

    Để tìm hiểu thêm về Phật giáo có thể đọc tại đây